Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Là cấp học mang tính chuyên sâu, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển của xã hội, giáo dục đại học đã và đang chịu tác động của xu thế chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình đổi mới trong giáo dục đại học diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Trong xu thế chung của thế giới về chuyển đổi số, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với quan điểm nhất quán “chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức” và “người dân là trung tâm của chuyển đổi số” (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Trong đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế, hướng đến “phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến” (Thủ tướng Chính phủ, 2020).
Trong xu thế chuyển đổi số, giáo dục đại học đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng, toàn diện về mô hình, cách thức tổ chức và quản lý quá trình dạy học. Chính vì vậy, đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu mang tính tất yếu, khách quan mà còn là vấn đề cấp thiết, là chìa khóa nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đổi mới giáo dục đại học là một nhiệm vụ trọng tâm, nhất là trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư và yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Do đó, nghiên cứu đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số trở thành hướng nghiên cứu quan trọng, thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học.
1. Chuyển đổi số và chuyển đổi số trong giáo dục
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng lớn, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có nhiều quan niệm khác nhau về chuyển đổi số, nhưng về bản chất, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, làm việc và phương thức sản xuất. Nói cách khác, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing),… và các phần mềm công nghệ để thay đổi phương thức quản lý, điều hành, thay đổi quy trình, phương thức làm việc và thay đổi văn hóa tổ chức.
Chuyển đổi số diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành động lực cho sự phát triển của các quốc gia, trong đó, chuyển đổi số trong giáo dục được xác định là khâu then chốt, đi trước một bước, làm tiền đề thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Chuyển đổi số được thực hiện toàn diện trong các thành tố của quá trình dạy học từ nguồn tài liệu, người thầy, người trò đến nội dung, phương pháp, tổ chức dạy học, tạo sự đồng bộ, thực hiện có hiệu quả quan điểm: “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.
Trong khi đó, giáo dục đại học là một trong các trình độ đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của giáo dục đại học “đào tạo nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế” và “đào tạo người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có tri thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc; có tinh thần lập nghiệp, có ý thức phục vụ nhân dân” (Quốc hội, 2019).
2. Cơ sở khoa học của đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số
Một là, vai trò của chuyển đổi số đối với đổi mới trong giáo dục đại học.
Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhất là giáo dục đại học, chuyển đổi số đã tạo ra những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ về mô hình, cách thức tổ chức, phương pháp dạy học, quy trình, ngành nghề và quản lý quá trình đào tạo. Thực tế cho thấy, những tác động của chuyển đổi số đến đổi mới trong giáo dục đại học đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện.
Chuyển đổi số góp phần thay đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Bên cạnh đó, chuyển đổi số góp phần số hóa toàn bộ quá trình quản lý hoạt động giáo dục, đào tạo, toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của người học cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, các công nghệ số được ứng dụng để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác. Có thể thấy, vai trò của chuyển đổi số đối với giáo dục đại học là vô cùng to lớn, do đó, đổi mới trong giáo dục đại học không thể đứng ngoài mà phải gắn chặt với xu thế chuyển đổi số, dựa trên những thành tựu của chuyển đổi số để ứng dụng vào đổi mới trong giáo dục đại học hiệu quả.
Hai là, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Hiện nay, yêu cầu đổi mới “căn bản, toàn diện” giáo dục và đào tạo đang đặt ra những thách thức mới nhằm “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân” (Ban Chấp hành Trung ương, 2013), đòi hỏi “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, p. 136). Trong bối cảnh đó, giáo dục đại học cần quán triệt quan điểm “tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021), góp phần phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với yêu cầu chuyển đổi số và phát huy có hiệu quả những ưu thế của chuyển đổi số trong quá trình đổi mới trong giáo dục đại học.
Ba là, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư tạo tiền đề, điều kiện đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số hiện nay.
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ nhất. Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư tạo tiền đề, điều kiện cho đổi mới trong giáo dục đại học. Trên cơ sở những thành tựu khoa học, công nghệ, các trường đại học có thể thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, từng bước thay đổi mạnh mẽ mô hình đào tạo, xây dựng những chuyên ngành đào tạo mới phù hợp với yêu cầu của sự phát triển thực tiễn; thúc đẩy đổi mới trong giáo dục đại học, số hóa các học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university), sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin,… để tổ chức giảng dạy thành công.
Bốn là, thực trạng đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số hiện nay.
Nắm được xu thế chuyển đổi số trong giáo dục, đổi mới trong giáo dục đại học ở Việt Nam đã quán triệt và bước đầu thực hiện tương đối hiệu quả. Những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, đến ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đổi mới giáo dục đại học được tiến hành rộng rãi trong các cơ sở giáo dục đại học, nội dung giảng dạy từng bước được số hóa, các ứng dụng mô phỏng từng bước áp dụng, công tác quản lý giáo dục được số hóa, nhiều ngành đào tạo mới ra đời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn, chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên,… Mặc dù vậy, đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số vẫn còn khó khăn, bất cập.
3. Một số định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số hiện nay
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và yêu cầu đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số hiện nay. Tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng nhất là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên về vai trò của ứng dụng chuyển đổi số trong đổi mới giáo dục đại học, mục tiêu, nội dung, yêu cầu thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong lĩnh vực giáo dục nói riêng. Theo đó, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về chuyển đổi số trong giáo dục, thực hiện tốt quan điểm “chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức” (Thủ tướng Chính phủ, 2020), lồng ghép nội dung giáo dục về chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp theo hướng ứng dụng, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số,…
Hai là, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng công nghệ của giảng viên và sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học. Trong giáo dục, đào tạo nói chung, đổi mới trong giáo dục đại học thời kỳ chuyển đổi số nói riêng, người thầy đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo. Do đó, trước yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng công nghệ của đội ngũ giảng viên như là điều kiện tiên quyết, quyết định chất lượng, hiệu quả quá trình đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số. Đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung bồi dưỡng kỹ năng, trình độ sử dụng công nghệ của đội ngũ giảng viên, nhất là kỹ năng làm chủ công nghệ thông tin, khả năng khai thác, làm việc trên môi trường mạng, năng lực tổ chức dạy học trong kỷ nguyên số.
Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đây vừa là yêu cầu của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, vừa là giải pháp nâng cao hiệu quả đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số hiện nay. Do đó, cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh chương trình giáo dục đại học, “xây dựng các mã ngành đào tạo mới và cập nhật chương trình đào tạo nhân lực chuyên nghiệp ở đại học và các trường cao đẳng, dạy nghề với các nội dung liên quan đến dữ liệu và công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, điện toán đám mây, Internet vạn vật, chuỗi khối, dữ liệu lớn; Xây dựng trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số liên quan để đào tạo nhân lực chuyển đổi số” (Thủ tướng Chính phủ, 2020).
Bốn là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, trang thiết bị công nghệ thông tin cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục đại học và cơ quan quản lý, tạo sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt. Đổi mới trong giáo dục đại học thời đại chuyển đổi số đòi hỏi rất lớn ở cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ. Đây là điều kiện mang tính then chốt, là điều kiện bảo đảm cho việc đổi mới giáo dục đại học trong thời đại chuyển đổi số mang lại hiệu quả. Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa,… làm cơ sở nâng cao hiệu quả đổi mới trong giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.
4. Kết luận
Chuyển đổi số đã trở thành xu thế lớn, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm hay đổi mạnh mẽ cách thức, phương pháp hoạt động của con người. Do đó, tiến hành đổi mới trong giáo dục đại học không thể không tính đến những tác động của chuyển đổi số. Việc đánh giá đúng vị trí, vai trò, tác động của chuyển đổi số đến quá trình đổi mới trong giáo dục đại học góp phần quan trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đại học, thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” hiện nay.
Nguyễn Thị Hải Lý ( Sưu tầm)
Tin mới
- Quy chế Quản lý, vận hành, khai thác sử dụng phần mềm QLHT bảo đảm và KĐCL GDĐH và CĐSP - 20/03/2024 01:37
- Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn CSGD đại học - 18/03/2024 09:24
- Quyết định kiện toàn Hội đồng ĐBCL và các tổ ĐBCL tại các đơn vị của Trường Đại học Hà Tĩnh - 11/03/2024 01:56
- Báo cáo Tự đánh giá Trường Đại học Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2022 - 21/02/2024 03:49
- Kế hoạch chuẩn bị và triển khai đánh giá ngoài Trường Đại học Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2022 - 19/02/2024 02:41
Các tin khác
- Thông báo kết quả lấy ý kiến từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên học kỳ 1 năm học 2023-2024 - 07/12/2023 09:11
- Kế hoạch là gì? Tầm quan trọng của việc lập kế hoạch - 10/11/2023 01:43
- Quyết định V/v kiện toàn các tổ ĐBCL tại các Phòng Đào tạo, Khoa KT-QTKD, Bộ môn Tâm lý-Giáo dục, Bộ môn GDTC - 03/10/2023 01:04
- Quyết định V/v bổ sung, điều chỉnh thành viên nhóm công tác chuyên trách của Hội đồng TĐG Trường ĐHHT - 03/10/2023 00:59
- Một số giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay - 05/09/2023 02:37